Thực tế, diễn viên là nghề có thu nhập rất bấp bênh. Tháng này họ có thể nhận cát-sê đến vài chục triệu đồng nhưng tháng sau có thể không có một đồng dính túi. Phim này có thể nhận mức cát-sê 4-6 triệu đồng/tập nhưng phim sau cũng có thể chỉ nhận 500.000 đồng/phân đoạn. Nếu không có lời mời đóng phim thì coi như… thất nghiệp.
Cát-sê chỉ đủ sống?
Không kể đến những diễn viên thuộc hạng “sao” với mức cát-sê ngất ngưởng thì đa số diễn viên tiền cát-sê chỉ vừa đủ sống. Một diễn viên có tên tuổi khẳng định chắc nịch: “Đóng phim mà mua được nhà lầu, xe hơi hạng sang nhanh như vậy à? Xin lỗi, còn lâu mới có! Tiền chứ đâu phải lá cây đâu mà hái dễ dàng vậy”.
Diễn viên Nhật Kim Anh cũng bày tỏ: “Cát-sê nhận được 10 phần thì đầu tư lại cho chi phí trang phục, chi tiêu cần thiết cho công việc… hết 6-7 phần nên dư chẳng được bao nhiêu. Một năm cật lực đóng được 4-5 phim và siêng đi hát như tôi cũng không làm sao mua nổi nhà triệu đô, xe tiền tỉ, xài giỏ xách mấy trăm triệu đồng”.
“Mỗi tập phim truyền hình cát-sê chừng 4-6 triệu đồng, tùy phim. Nhưng đóng phim phải mất vài ba tháng, có khi nửa năm mới xong. Một năm chỉ đóng được 2-3 phim. Nếu tính chia đều cho 12 tháng cũng tầm lương công chức không hơn không kém. Đóng phim phải theo đoàn ròng rã mấy tháng, khó có thể chạy sô hay làm công việc khác, trừ khi phim quay ở khu vực TP HCM thì may ra còn tranh thủ” - một diễn viên khác nói.
“Với nghệ sĩ sân khấu, một đêm diễn kịch cao lắm cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng” - diễn viên Bá Thắng cho biết.
Riêng nghề ca sĩ, thu nhập sẽ nhỉnh hơn so với diễn viên một chút nhưng trong hàng ngàn người, ca sĩ hạng “sao” thu nhập vài ba chục triệu đồng/sô chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những giọng ca bình thường cũng chỉ nhận vài triệu đồng/sô, nếu có lời mời nhiều và chăm chỉ đi sô thì cát-sê khá hơn. Tuy nhiên, họ cũng phải đầu tư lại cho trang phục trình diễn, làm băng đĩa và hàng chục khoản chi tiêu không tên khác. Ca sĩ Minh Quân khẳng định: “Nghệ sĩ chỉ có 10% thuộc loại giàu có, 20% khá giả, 50% đủ ăn đủ sống, còn lại 20% vẫn phải lăn lộn nhặt nhạnh từng đồng, làm nhiều công việc khác để bươn chải với nghề”.
Nhọc nhằn, vất vả
Diễn viên Nguyễn Hậu - người cả đời gắn bó với nghiệp diễn - đúc kết: “Diễn viên là một nghề lao lực”. Rất nhiều người nhọc nhằn kiếm sống, tằn tiện từng đồng lo cho bản thân, có người còn nuôi cả gia đình bằng tiền đóng phim. Để có được tiền từ nghệ thuật, họ phải đổ không ít mồ hôi, sức lực và cả cái tâm với nghề chứ không đơn giản.
Thực tế, khi mới bước vào nghề này, ai cũng phải chấp nhận đối diện với những ngày tháng thực sự khó khăn. Diễn viên Nhật Kim Anh chia sẻ: “Tôi đã mất hơn 10 năm bươn chải, lăn lộn với nghề. Đóng những vai phụ, vai quần chúng, kiếm những đồng tiền ít ỏi để nuôi sống mình cũng là nuôi niềm đam mê. Nghề diễn viên cực khổ không thể kể hết, áp lực thời gian, tiến trình quay rất căng thẳng. Đi diễn từ 5 giờ sáng đến 1-2 giờ đêm là chuyện bình thường”.
Để sống và theo đuổi nghệ thuật chân chính, nhiều người đã đổ không ít mồ hôi, công sức. Và rõ ràng, những giá trị ảo bao giờ cũng mang tính chất thời vụ, những người làm nghệ thuật chân chính, tử tế vẫn có chỗ đứng nhất định. Họ không cố tình làm nổi bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài mà sống đúng với những gì mình có. “Thành quả có được bằng chính công sức mình bỏ ra bao giờ cũng quý. Những người có tài, có tâm, chăm chỉ, nỗ lực cho nghề nghiệp bao giờ cũng được công chúng trân trọng, yêu thương và giữ được tiếng thơm lâu dài” - diễn viên Quý Bình khẳng định.
Sự thật mà những người trong cuộc nói ra phần nào cho thấy sự giàu có của nghệ sĩ chỉ là ảo. Vẫn có những người lao động nghệ thuật chân chính, không màng đến vẻ hào nhoáng bề ngoài, ngày đêm miệt mài sáng tạo để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Công chúng cần được biết để yêu mến và quý trọng họ.