Ca khúc "Bài ca không quên" ra đời từ ý tưởng của cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông - người đã đặt hàng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác vào năm 1981. Một năm sau, ca khúc được phát hành trong bộ phim cùng tên.
In sâu trong lòng công chúng
Gần 40 năm qua, ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Cẩm Vân. Từ sau Huy chương vàng đơn ca Liên hoan Ca nhạc chuyên nghiệp TP HCM năm 1983, ca khúc này đã được chắp thêm đôi cánh mỗi khi có cuộc thi tuyển chọn giọng ca mới trên mọi miền đất nước. Những dịp như thế, giai điệu và ca từ của "Bài ca không quên" lại vang lên và công chúng lại nhắc đến Cẩm Vân. Trong những ngày tháng 4-2019 này, ca sĩ Cẩm Vân tâm sự: "Không đợi đến tháng 4 với rất nhiều những ngày lễ lớn thì tôi mới được yêu cầu hát "Bài ca không quên". Trên thực tế, đôi khi nhận show diễn ở khắp nơi, khán giả vẫn reo lên yêu cầu tôi hát. Tôi mạo muội nghĩ "Bài ca không quên" không còn là của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hay của ca sĩ Cẩm Vân nữa mà nó đã trở thành ca khúc thuộc về công chúng. Nó nối liền hơi thở đổi mới của cuộc sống, nơi từng ngày từng giờ thay da đổi thịt.
Tôi đã hát ca khúc này gần 40 năm và đến tận bây giờ vẫn tiếp tục hát theo yêu cầu của khán giả. Tận đáy lòng mình tôi vẫn mang ơn ca khúc này và nó mãi mãi là ca khúc mang dấu ấn đậm nhất trong sự nghiệp ca hát của tôi. Hôm qua, con gái tôi (ca sĩ trẻ Cece Trương - PV) đã nói với mẹ lần đầu bé được nghe và hiểu rõ hơn về ca khúc này là lúc được mẹ dẫn đi dự lễ 30-4 năm bé 6 tuổi. Khi ấy, tôi hát tại 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Bé thấy tất cả các cô chú trong buổi tham dự hội nghị đều hát theo mẹ, có người vừa hát vừa khóc. Cảm xúc cứ dâng trào. Và rồi trong niềm tự hào về mẹ, về ca khúc này, con gái tôi xem "Bài ca không quên" là một ký ức tuổi thơ rất đẹp.
Như lời hiệu triệu
Tôi là một ca sĩ Sài Gòn không tốt nghiệp trường lớp nhưng cha mẹ và ơn trên đã ban cho tôi một giọng hát như lời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là "Cẩm Vân sinh ra là để ca hát". Tôi đã sống và gắn bó với cái nghề, mà cũng là cái nghiệp này, trên 40 năm qua.
Với ca khúc "Bài ca không quên" cũng vậy. Đây là ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết cho giọng nam hát trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Trước tôi đã có nhiều nam ca sĩ hát và thu âm, vì lời bài hát nói lên tâm trạng của một thanh niên đứng trước những nỗi nhớ về sự dấn thân vào cuộc sống, xây dựng quê hương sau những ngày chiến tranh khắc nghiệt.
Lời bài hát như lời hiệu triệu con người hãy buông bỏ tất cả thù hận, chung tay xây dựng quê nhà. Lời ca nhắc nhở chúng ta không quên những chiến công anh dũng của những người ngã xuống cho quê hương.
Ở đó là hình ảnh của một người lính trẻ sau chiến tranh, đất nước thống nhất trở về với cuộc sống gia đình, cưới vợ. Tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm và bản thân anh cũng mang nhiều tâm sự, trăn trở. Bài hát vang lên khi anh bộ đội năm xưa chạy trong cơn mưa tầm tã, hướng về cánh rừng nơi nhiều đồng đội anh đã nằm xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Và chính tôi cũng không ngờ ca khúc lại gắn liền với mình và là một trong những dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời đi hát của mình.
Nếu như cảm xúc của lần đầu tiên hát "Bài ca không quên" cách đây 38 năm bằng sự hồn nhiên, non nớt và suy nghĩ của một người trẻ chỉ biết về chiến tranh qua những thước phim tài liệu, thì ở hiện tại không những vẫn vẹn nguyên xúc cảm ban đầu mà sau những trải nghiệm và thăng trầm của cuộc sống với ngần ấy năm đi hát, tôi lại hiểu và thấm đẫm sâu sắc từng ca từ mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết với cảm xúc chín muồi nhất.
Những giá trị thiêng liêng
Trong một chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã hát chay "Bài ca không quên". Và với bạn đọc Báo Người Lao Động những năm đầu tổ chức giải thưởng "Cuộc thi bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất" tại khoảng sân nhỏ của trụ sở 123 Võ Văn Tần, quận 3, hàng trăm khán giả đã cùng tôi hát "Bài ca không quên" không có nhạc đệm.
Đó có lẽ là những kỷ niệm khó quên về một trong những giai đoạn cuộc sống còn khó khăn mà chúng ta đã trải qua. Những kỷ niệm đó xúc động đến nỗi đã nhiều lần khi hát "Bài ca không quên", tôi òa khóc và đôi chân như muốn ngã quỵ. Trong tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh khán giả hòa giọng theo lời bài hát, vỗ tay và hát rất to… "Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên…".
Chính những tình cảm ấy đã khiến tôi bừng tỉnh và nhận ra đâu mới là điều quý giá nhất trong cuộc sống.
Có lẽ điều tạo nên sức sống mãnh liệt khiến ca khúc này sống mãi trong lòng người yêu nhạc là bởi nó đã khắc họa nên những điều chân thực nhất về con người Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giữ nước. Ở đó, mỗi người đều có thể bắt gặp những điều quen thuộc nhưng vô cùng xúc động của "lời mẹ ru con đêm đêm"; của bóng dáng người mẹ già dõi bước theo con đến mòn mỏi, bạc tóc; là khoảnh khắc cùng đồng đội "làm bạn cùng trăng, ôm súng ngắm sao khuya" giữa sương đêm, rừng lạnh; là hình ảnh của người em "chống xuồng vượt qua pháo nổ", của "gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi"…
Nhiều người quan niệm trong cuộc sống mọi thứ đều bắt nguồn từ hai từ "nhân duyên". Với tôi cũng vậy. Việc đến với nghề ca hát và với ca khúc "Bài ca không quên" có lẽ cũng xuất phát từ cái duyên đó" - ca sĩ Cẩm Vân trải lòng.